Hiện nay, rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang bước vào vụ thu hoạch khoai lang với nhiều nỗi buồn khi loại cây trồng này vừa mất mùa, vừa rớt giá và thị trường cũng khá bấp bênh.
Nỗi buồn của nông dân trồng khoai lang
Gia đình anh Ngô Quang Trung ở xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức đã có nhiều năm gắn bó với nghề trồng khoai lang. Theo anh Trung, giá khoai lang đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
“Với mức giá như hiện nay thì 1ha người dân phải đạt năng suất khoai lang loại 1 từ 20 tấn trở lên mới có lời. Tuy nhiên, để có năng suất và chất lượng cao như vậy thì hầu như không có và nếu có cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó, mùa khoai lang năm nay đang là nỗi buồn với người nông dân. Bởi khoảng 1ha người nông dân vừa tốn công, vừa nhọc sức nhưng lại thua lỗ thêm hàng chục triệu đồng” – anh Trung buồn bã.
Gia đình anh Phạm Văn Tuân, tổ dân phố 5, phường Nghĩa Tân, thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) vừa thu hoạch xong 9 sào khoai lang, với sản lượng trên 20 tấn.
Theo anh Tuân, anh bán khoai tại vườn cho thương lái đến từ tỉnh Lâm Đồng đến thu mua với mức giá 7.000 đồng/kg loại 1 và 3.000 đồng/kg loại 2. Tổng giá trị anh Tuân thu về được trên 115 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí, anh Tuân đã thua lỗ gần 20 triệu đồng.
“Thực tế thì năng suất khoai của gia đình vụ này ở mức cao, nhưng giá khoai lại tụt xuống bằng một nửa so với năm ngoái, nên vụ khoai này coi như trắng tay, thậm chí còn thâm hụt cả vào vốn liếng đầu tư” – anh Tuân chia sẻ.
Thị trường bấp bênh
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, năm 2023, Đắk Nông sản xuất 4.927ha khoai lang, giảm 1.681ha; sản lượng đạt mức 73.411 tấn, bằng gần 75% so với năm 2022. Năm 2024, tỉnh đưa ra kế hoạch sản xuất 5.141ha khoai lang, tăng 214ha; sản lượng ước 76.578 tấn, tăng 3.167 tấn so với năm 2023.
Tỉnh Đắk Nông định hướng tái cơ cấu cây khoai lang ở mức 6.500ha, tập trung ở các huyện Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Glong và Krông Nô; chiếm 80% diện tích trồng khoai lang toàn tỉnh.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, những năm qua, cây khoai lang của tỉnh phát triển không ổn định. Nguyên nhân chủ yếu là thị trường khoai lang Việt Nam phụ thuộc chính vào Trung Quốc.
Hình thức xuất khẩu sang nước bạn bằng đường tiểu ngạch nên khó gia tăng giá trị, khi tiểu thương ngưng mua thì lập tức thị trường trong nước xuống thấp. 3 năm nay, Đắk Nông đã chuẩn bị các bước để kiểm tra, cấp mã số cho các cơ sở đóng gói nông sản nói chung, khoai lang nói riêng.
Một số cơ sở đã đầu tư bài bản các khâu sơ chế để làm sạch khoai lang, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu như Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân, thành phố Gia Nghĩa. Công ty này đã được cấp mã số cơ sở đóng gói khoai lang xuất khẩu.
Tuy nhiên, tỉnh chỉ mới có một cơ sở được cấp mã nên sản lượng thu mua sẽ không nhiều, chưa tác động đến giá bán của nguời dân trong tỉnh. Bà con cần đưa các giống khoai lang có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất như khoai lang Nhật Bản, khoai lang cao sản; xây dựng các chuỗi liên kết trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm khoai lang.
“Để phát triển cây khoai lang bền vững, người dân, doanh nghiệp cần đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn; xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, mã vùng trồng để nâng cao giá trị” – thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay.
Nguồn: Laodong.vn