Năm 2023, xuất khẩu ớt đạt 20 triệu USD, tương đương 10.173 tấn, tăng 107% so với năm trước đó.
Đây là số liệu vừa được Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam công bố. Theo đó, Trung Quốc và Lào là 2 thị trường xuất khẩu chính của quả ớt Việt Nam, lần lượt đạt hơn 8.600 tấn và 1.100 tấn, chiếm 85% và 10,9% thị phần.
Hai năm trở lại đây, Việt Nam được xuất khẩu ớt chính ngạch sang Trung Quốc giúp kim ngạch quả này tăng vọt. Giá ớt bán ra cũng tốt hơn nhiều so với năm 2022, giúp nông dân có lợi nhuận ổn định.
Trung bình, mỗi sào trồng ớt sẽ cho thu hoạch trên 1 tấn quả một năm. Với giá bán 8.000-12.000 đồng một kg, nông dân sẽ thu 8-15 triệu đồng mỗi sào, còn với mức giá 30.000-40.000 đồng, họ có doanh thu 30-50 triệu đồng.
Các loại ống tưới nhỏ giọt cho cây ớt
Hiện, giá ớt tại vườn đang dao động 38.000-40.000 một kg. Riêng với loại tuyển chọn xuất khẩu có giá từ 62.000-65.000 đồng một kg, ớt loại 2 là 58.000-60.000 đồng, ớt chợ từ 55.000-58.000 đồng. Mức này đang tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2023.
Số liệu từ Cục trồng trọt cho thấy, ớt được trồng nhiều nhất tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Trà Vinh với tổng diện tích trên 7.000 ha, sản lượng khoảng 100.000 tấn một năm. Trong khi đó, tại Tây Nguyên, diện tích trồng đạt khoảng 4.000-5.000 ha với sản lượng khoảng 60.000 tấn một năm.
Trên thế giới, châu Á – Thái Bình Dương chiếm lĩnh thị trường với Ấn Độ là nước sản xuất và xuất khẩu ớt khô hàng đầu thế giới, tiếp theo là Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia. Ấn Độ cũng là nhà sản xuất và tiêu thụ ớt hàng đầu thế giới với khoảng 36% sản lượng toàn cầu, xuất khẩu khoảng 30% tổng sản lượng.
Hồng Châu
Nguồn: vnexpress.net