Cơ hội và thách thức trong xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam ra thị trường thế giới

TÓM TẮT:

Việt Nam là quốc gia có diện tích trồng và sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới, hạt tiêu Việt Nam có mặt tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khối lượng hạt tiêu xuất khẩu chiếm 60% hạt tiêu xuất khẩu trên thế giới với nhiều sản phẩm phong phú như tiêu đen, tiêu xanh, tiêu trắng, tiêu bột, tiêu ngâm dấm… Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế, quy mô thị trường hạt tiêu đen toàn cầu ước đạt trị giá 4.184,2 triệu USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 4,1% trong giai đoạn 2022 – 2028. Song song đó, xu hướng sử dụng chất điều vị tự nhiên gần đây cũng đã thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường tiêu đen toàn cầu. Tuy nhiên, để các sản phẩm tiêu của Việt Nam khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới một cách bền vững, ngành Hồ tiêu Việt Nam sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức lớn trong tương lai.

Từ khóa: thị trường hạt tiêu, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu hạt tiêu.

Bài viết tham khảo:

1. Tổng quan về thị trường hồ tiêu thế giới

Cây hồ tiêu được trồng ở 70 nước trên thế giới. Theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), diện tích tiêu toàn cầu là 757.093 hecta vào năm 2022 tăng 1,6% so với năm 2021 (744.942 hecta). Diện tích được phân bổ tập trung chủ yếu tại các nước: Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka, Việt Nam,… Theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC), trong năm 2021, tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu đạt 514.950 tấn, giảm 78.137 tấn, tức giảm 13,2% so với năm 2020 (593.087 tấn). Tổng sản lượng xuất khẩu 2021 đạt 435.152 tấn giảm 9,2% so với 2020 (479.145 tấn).

Bảng 1. Tổng lượng cung và lượng xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu

hồ tiêu
Nguồn: Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC)

Năm 2022, sản lượng xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu ghi nhận sự sụt giảm hơn so với năm 2021 ở hầu hết nhà cung cấp lớn như: Việt Nam giảm 12,4%, Brazil giảm 6,2%; còn tại Indonesia giảm 20,5%. Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm sản lượng tại Việt Nam và một số nước sản xuất là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và giá tiêu xuống thấp trong giai đoạn 2018-2020, khiến nông dân giảm đầu tư, chăm sóc dẫn đến diện tích và năng suất giảm. Đồng thời tác động của dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng thiếu nhân công. Thương mại hồ tiêu toàn cầu bị ảnh hưởng bởi sức mua của người tiêu dùng giảm do lạm phát; giá nhập khẩu cao bởi sự mất giá đồng tiền, đặc biệt ở thị trường Trung Đông. Giá tiêu thế giới đã giảm từ 17 – 39% trong năm 2022, trong bối cảnh nhu cầu bị ảnh hưởng bởi lạm phát tại nhiều quốc gia, sự mất giá của đồng nội tệ các nước so với đồng USD và chính sách Zero COVID của Trung Quốc. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Brazil và Việt Nam tăng do nhập khẩu tiêu từ các quốc gia khác về gia công, chế biến và xuất khẩu với giá trị cao hơn.

Bảng 2. Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của một số quốc gia

ĐVT: Sản lượng – SL (Nghìn tấn); Kim ngạch – KN (Triệu USD)

hồ tiêu
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo xuất nhập khẩu hồ tiêu của các quốc gia

2. Thực trạng sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam

2.1. Tình hình sản xuất

Hồ tiêu là cây trồng chủ lực của nước ta, hiện nay tổng diện tích trồng hồ tiêu cả nước khoảng hơn 131,8 nghìn hecta, tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên với diện tích chiếm trên 95% diện tích trồng hồ tiêu của nước; còn lại trồng rải rác ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Hồ tiêu là cây trồng mang lại giá trị kinh tế, là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của nước ta. Từ sau năm 2016, giá hồ tiêu liên tục lao dốc, nên người trồng hạn chế hoặc không chăm sóc, không phòng trừ sâu bệnh, hệ quả là năng suất giảm. Đến năm 2021, giá hồ tiêu trong nước và giá xuất khẩu bắt đầu tăng trở lại, nông hộ quay lại đầu tư, chăm sóc nên năng suất hồ tiêu bắt đầu tăng. Giá hồ tiêu tại vườn đã tăng 40 – 44%, từ 51.000 – 53.000 đồng/kg lên mức 76.000 – 79.500 đồng/kg đỉnh điểm giá lên đến 90.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính khiến giá hồ tiêu tăng mạnh trong năm qua là diện tích, sản lượng hồ tiêu Việt Nam liên tục sụt giảm do giá tiêu xuống quá thấp trong những năm trước, người dân không quan tâm chăm sóc khiến nhiều diện tích tiêu bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt, năng suất thấp, một số hộ chuyển sang các loại cây trồng khác. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu trên thế giới đang có xu hướng phục hồi trở lại.

Bảng 3. Diện tích, sản lượng và năng suất hồ tiêu Việt Nam

hồ tiêu
Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam

2.2. Nhập khẩu

Để phục vụ cho việc xuất khẩu, một số doanh nghiệp chế biến đã nhập khẩu hồ tiêu từ Indonesia, Brazil, Campuchia và một số quốc gia khác. Trong năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu 25.359 tấn hồ tiêu, giảm 36,4% so với năm 2020. Trong đó, tiêu đen đạt 18.667 tấn, tiêu trắng đạt 6.682 tấn. Đến năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu 36.682 tấn hồ tiêu, tăng 44,7% so với năm 2021. Trong đó, tiêu đen đạt 32.623 tấn, tiêu trắng đạt 4.059 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 146,9 triệu USD. Ba quốc gia cung cấp hồ tiêu chủ yếu cho Việt Nam là Campuchia, Brazil và Indonesia đạt 31.649 tấn, chiếm 86,3%, trong đó nhập khẩu từ Campuchia tăng 117,1%, từ Brazil tăng 104,7% và từ Indonesia giảm 39,6%.

Bảng 4. Việt Nam nhập khẩu hồ tiêu từ các quốc gia khác

ĐVT: Tấn

hồ tiêu
Nguồn: Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam

Hình 1: Sản lượng nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam

hồ tiêu
Nguồn: Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam

2.3. Xuất khẩu

Trong số các loại gia vị của Việt Nam thì hồ tiêu đã rất nổi tiếng trên thị trường thế giới và chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao. Việt Nam hiện vươn lên là nước xuất khẩu hồ tiêu nhiều nhất thế giới với 40% sản lượng, xuất khẩu sang 110 quốc gia. Tuy nhiên, xuất khẩu hồ tiêu đối diện với tình trạng sụt giảm mạnh về sản lượng. Cụ thể, năm 2022, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 228,7 nghìn tấn, giảm 12,4% về lượng so với năm 2021, nhưng nhờ giá trị xuất khẩu bình quân tăng từ 3.593 USD/tấn lên 4.257 USD/tấn (tương ứng tăng 18,5%) nên tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 3,5% so với năm 2021.

Hình 2: Sản lượng, kim ngạch và giá trị xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam

hồ tiêu
Nguồn: Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2018-2022 của Bộ Công Thương

Năm 2022, tiêu đen nguyên hạt vẫn là chủng loại xuất khẩu nhiều nhất của nước ta chiếm 71,9% tỷ trọng với 166.793 tấn. Đứng thứ hai là tiêu đen xay đạt 33.410 tấn, chiếm 14,4%; tiếp theo là tiêu trắng nguyên hạt với 20.517 tấn, chiếm 8,89%; còn lại 4,1% là tiêu trắng xay và 0,8% là tiêu ngâm giấm, mộc, đầu đinh, xanh, hồng…

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 57.809 tấn, giảm 2,5%; Trung Quốc – thị trường tiêu thụ tiêu lớn thứ hai của nước ta ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất, với mức giảm 46,4% (tương đương mức giảm 17.761 tấn) so với năm 2021, xuống còn 20.498 tấn. Một số thị trường khác cũng giảm như Pakistan giảm 49,5%; Ai Cập giảm 43,9%; Pháp giảm 39,8%; Hàn Quốc giảm 4,8%, Anh giảm 12%; Thổ Nhĩ Kỳ giảm 35,3%, Đức giảm 15,8%; Hà Lan giảm 10,1%… Tuy nhiên, xuất khẩu sang một số thị trường có xu hướng tăng như: Philippines tăng 5,2%, Thái Lan tăng 10,1%, Nhật Bản tăng 34,1%, đặc biệt là thị trường Nga mặc dù đang bị ảnh hưởng bởi xung đột Đông – Âu nhưng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng 22,6% đạt 6.380 tấn.

Hình 3: Tỷ trọng chủng loại tiêu xuất khẩu của Việt Nam năm 2022

hồ tiêu

Hình 4: Tỷ trọng chủng loại tiêu xuất khẩu của Việt Nam năm 2021

hồ tiêu

3. Cơ hội và thách thức trong xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam

3.1. Cơ hội

Hiện nay, hồ tiêu Việt Nam đã dần khẳng định tên tuổi trên bản đồ thế giới. Việt Nam là quốc gia chiếm 40% sản lượng và chiếm 60% thị phần hồ tiêu toàn cầu, luôn giữ vị thế số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu.

Năng lực chế biến hồ tiêu của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất lớn. Mỗi năm các doanh nghiệp có thể xử lý lên tới trên 140.000 tấn, trong khi sản lượng tiêu trong nước còn thấp. Do đó, ngoài việc tham gia vào khâu chế biến sản phẩm trong nước, ngành Hồ tiêu có thể chế biến cho những nước xuất khẩu tiêu có công nghệ chế biến chưa phát triển như Indonesia, Campuchia, Brazil…

Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam. EU là khối thương mại lớn nhất thế giới với mức tăng trưởng GDP trung bình 0,9% mỗi năm. Hiệp định EVFTA được ký kết giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đang mở ra những tiềm năng lớn về xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam (cắt giảm thuế quan về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực). Điều này cho thấy, Việt Nam có lợi thế hơn so với một số nước sản xuất hồ tiêu khác như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ. Việt Nam đang có chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia để đưa hồ tiêu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

3.2. Thách thức

Hồ tiêu Việt Nam đang bị mất thị phần do các thị trường Brazil và Indonesia chào giá cạnh tranh hơn. Các thị trường này có cước phí rẻ hơn Việt Nam nên giá xuất khẩu luôn được chào bán thấp hơn.

Những bất ổn về địa chính trị, đặc biệt là căng thẳng Nga-Ukraine hiện vẫn đang còn tác động đến tiêu thụ hồ tiêu. Căng thẳng địa chính trị khiến lạm phát tăng cao, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tác động tiêu cực lên hoạt động xuất, nhập khẩu các mặt hàng trên toàn cầu, trong đó có hạt tiêu. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, giá hạt tiêu toàn cầu sẽ còn biến động trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu còn tăng giảm thất thường.

Sản xuất hồ tiêu ở Việt Nam còn nhỏ, manh mún, thiếu liên kết giữa người sản xuất với nhà khoa học, doanh nghiệp nên tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ và các loại thuốc bảo vệ thực vật, khâu thu hoạch thủ công, bảo quản sau thu hoạch còn yếu nên chất lượng hồ tiêu kém, không đồng đều, khó đảm bảo yêu cầu kỹ thuật khi xuất khẩu sang các thị trường EU.

4. Giải pháp phát triển bền vững sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu

Để sản phẩm hồ tiêu của Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường thế giới một cách bền vững, ngành cần tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về dư lượng hóa chất, tiêu chí sản xuất theo hướng phát triển bền vững, không chạy theo sản lượng mà phải nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, đồng thời tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết nhà sản xuất với các doanh nghiệp chế biến và nhà xuất khẩu.

Nhà sản xuất cần ứng dụng các công nghệ trong quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc, kết nối khách hàng.

Nhà nước và các cơ quan xúc tiến thương mại định hướng lại chiến lược xây dựng hình ảnh và tăng cường sự hiện diện tại các thị trường trọng điểm; có chiến lược cụ thể, hiệu quả để phát triển sản phẩm mới tại các thị trường cao cấp, giảm rủi ro khi phụ thuộc một vài thị trường.

Bên cạnh đó cần xây dựng bộ cơ sở dữ liệu lịch sử về giá, sản lượng, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu trong các năm qua, từ đó có cơ sở dự đoán, dự báo tình hình tiêu thụ, sản xuất trong những năm tiếp theo.

Nguồn: tapchicongthuong.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *