Nhiều câu hỏi về chuyển đổi tư duy kinh tế, giải pháp tăng giá trị ngành nông nghiệp, nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn… được các nông dân đặt ra với Thủ tướng.
Ngày 30-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 tại Hà Nội và 62 điểm cầu trên cả nước.
“Không phải sản xuất được bao nhiêu mà là bán ở đâu, bán bao nhiêu”
Ông Y Pốt Niê (nông dân tỉnh Đắk Lắk) đặt hai câu hỏi về chính sách gì thúc đẩy nông dân từ quá trình chuyển tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế; và năm 2024 EU cấm nhập khẩu cà phê trên nguồn gốc phá rừng, giải pháp gì đáp ứng, quy hoạch phát triển cà phê sắp tới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng Việt Nam là đất nước có diện tích canh tác bình quân/hộ sản xuất rất nhỏ, nhưng đang từng bước tích tụ ruộng đất, một trong những địa phương làm rất tốt chủ trương này là Thái Bình, tập trung những nông dân sở hữu diện tích lớn.
Về cà phê, ông Hoan nói xây dựng vùng nguyên liệu gắn kết cộng đồng doanh nghiệp Tây Nguyên về máy móc, sản xuất và dẫn dắt bà con; Nhà nước làm cầu nối. Ngày 1-1-2025 sẽ áp dụng lệnh cấm của EU quy định mới với ba ngành cao su, gỗ và cà phê, sẽ ký chương trình hành động, bộ sẽ thông tin đầy đủ với bà con.
Nói thêm về chuyển đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng làm sao làm cho nông dân luôn nở nụ cười trên môi, trên diện tích đất của mình, chuyển đổi tư duy kinh tế cần chuyển mạnh, chuyển ngay chuyển sớm, tối ưu hóa về mặt giá trị chứ không tối ưu hóa sản lượng.
“Đây là chuyển đổi tư duy quan trọng, để làm sao không bóc lột quá nhiều đất đai. Quan trọng vẫn là sản xuất bán được ở đâu, thu được bao nhiêu chứ ko phải sản xuất được bao nhiêu”, ông Dũng nói.
Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 tại điểm cầu TP.HCM – Ảnh: THẢO THƯƠNG
Trả lời câu hỏi về giải pháp tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp của nông dân Bùi Văn Tuấn (Long An), Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng trồng lúa không chỉ bán lúa mà bán các sản phẩm khác từ tro, trấu, thân… “Hợp tác xã nên tư duy lại, biến ngành hàng tích hợp tuần hoàn từ cây lúa. Thu nhập chúng ta sẽ tăng lên nhờ tư duy về cây lúa và hạt gạo”, ông Hoan nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng sản xuất nông nghiệp có năm thành tố quyết định: xây dựng thương hiệu như gạo ông Cua (ông Hồ Quang Cua, “cha đẻ” gạo ST25 – PV), quy hoạch vùng nguyên liệu, có doanh nghiệp cung ứng đầu vào đầu ra, ngân hàng, khoa học công nghệ.
Thủ tướng căn dặn: “Bà con phải tự chủ và phải xây dựng mô hình sản xuất bài bản, chuyên nghiệp theo quy hoạch và theo quy luật thị trường. Chúng ta cần sản xuất cái mà thị trường cần chứ không nên làm cái mình có”.
Nông nghiệp giải trí, nông nghiệp du lịch sẽ tạo ra giá trị mới
Trước câu hỏi của nông dân Nguyễn Văn Hữu ở Bắc Giang về chính sách để hỗ trợ, khuyến khích người nông dân làm du lịch nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan kể chuyện một nông dân trồng vải ở Lục Ngạn, Bắc Giang đã làm du lịch nông nghiệp với các show diễn rất hay. Bộ trưởng cho rằng cần hiểu sâu giá trị nông nghiệp để kích hoạt hiệu quả.
Thủ tướng thì cho rằng muốn phát huy phải quy hoạch phát triển du lịch gắn với vùng miền, di sản, lịch sử văn hóa, thiên nhiên; gắn kết quy hoạch với nông nghiệp, du lịch; đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn…
Cũng liên quan đến nông nghiệp tuần hoàn, trả lời câu hỏi của nông dân Đặng Văn Bảy (Bến Tre) về chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái tôm để hướng đến xuất khẩu 10 tỉ USD/năm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng hạn chế trong nuôi tôm là môi trường, con giống, cần nhanh chóng xây dựng lại ngành hàng có sự tham gia của hợp tác xã, kinh tế tập thể; xây dựng chuỗi liên kết, cấu trúc lại ngành hàng tôm để cùng nhau sản xuất an toàn…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết muốn có hệ sinh thái tốt thì công tác quy hoạch vẫn là vấn đề đầu tiên; cơ chế chính sách; Nhà nước sẽ có hỗ trợ cho bà con các vấn đề về vốn.
“Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh Nhà nước lo trên cơ sở bà con có liên kết sản xuất như Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói và phải có đề xuất rõ ràng, cụ thể”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng: Đẩy mạnh ba giải pháp đột phá chiến lược ngành nông nghiệp
Thủ tướng cho rằng cần đẩy mạnh ba giải pháp chiến lược: hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng.
“Năm 2023, khó khăn nhưng nông nghiệp vẫn tăng trưởng, tăng 3,83%; xuất khẩu vẫn đạt chỉ tiêu, ít nhất được 53 tỉ USD, trong đó hơn 10 ngành nghề đạt từ 1 tỉ USD trở lên. Những thành quả đó có sự đóng góp lớn của nông dân. Rõ ràng đây là kết quả của sự xoay chuyển tình thế.
Trong bối cảnh khó khăn đó, đến nay Ngân hàng Nhà nước cũng đã giải ngân được hơn 70% nguồn vốn đầu tư công để phát triển kinh tế. Đảng, Nhà nước có chính sách, cơ chế, nguồn lực, nhưng nông dân vẫn phải tăng cường tự chủ, đi lên bằng bàn tay khối óc của mình, không được trông chờ ỷ lại”, người đứng đầu Chính phủ nói.
Nguồn: tuoitre.vn