“Bây giờ có nhiều hướng phát triển. Hầu hết là kế hoạch, chiến lược hoặc đang trong quá trình thử nghiệm. Nhưng tôi đã nhắc lại nhiều lần: Chỉ có 2 ngành mới đích thực là tương lai của kinh tế Việt Nam: IT (Công nghệ thông tin) và nông nghiệp”, Tiến sĩ Alan Phan phát biểu.
Dồi dào nguồn tài nguyên
- Tại sao IT lại là tương lai của kinh tế Việt Nam và lại được đặt lên hàng đầu? Thứ nhất dân số Việt Nam là dân số trẻ. Ngành IT rất cần chất xám về sự sáng tạo, năng động; điều đó cần có những đầu óc trẻ. Tôi nghĩ ở Việt Nam, đó là một tài nguyên rất dồi dào.
- Câu chuyện mới đây thôi, tôi lên trang Amazon mua mấy món đồ cần. Một việc rất bình thường khi ở Hoa Kỳ, nhưng ở Việt Nam thì không sao thực hiện được. Bởi những trang mạng tại Việt Nam khi check vào để thực hiện giao dịch mua hàng thì máy chủ ở Mỹ chặn hết.
- Tôi hỏi anh bạn là một chuyên gia hàng đầu về IT ở Mỹ: Tại sao lại có hiện tượng đó? Bạn tôi giải thích: Ngày xưa khi internet mới bắt đầu, những tay hacker giỏi nhất là bên Đông Âu, nhưng bây giờ giỏi nhất là hacker ở Việt Nam và Trung Quốc. Thế nên, cứ thấy các địa chỉ mạng xuất phát từ Việt Nam đi là thế giới người ta đề phòng. Tức là trí thông minh của người mình rất tuyệt vời, có điều trí thông minh ấy (ở đây đang nói trong lĩnh vực IT) phần lớn lại chưa được định hướng.
- Đó là một cái đáng buồn. Nhưng mặt khác nó chứng minh là người mình có đủ kỹ năng và trí tuệ để cạnh tranh với thế giới về IT, nếu chúng ta có định hướng cho lớp trẻ sử dụng trí tuệ của mình. Thành ra tôi nghĩ đó là một hướng đi tốt cho tương lai của kinh tế đất nước. Thêm nữa, IT đâu cần đường sắt cao tốc, đâu cần nhà máy điện nguyên tử, mà chỉ cần một đường truyền thật là tốt là có thể kết nối với cả thế giới.
Quan trọng là biết nắm bắt cơ hội
- Cái lợi thế thứ hai tôi cũng cho là tương lai của kinh tế đất nước, là nông nghiệp. Việt Nam mình có may mắn là khí hậu rất ôn hòa, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, lại có thêm vùng biển bao la để khai thác ngư nghiệp. Có thể nói đây là mặt mạnh của Việt Nam ngay cả so với Trung Quốc. Mình muốn làm về ôtô để cạnh tranh với Trung Quốc thì nên quên đi, ngay cả với Thái Lan mình cũng không đủ sức cạnh tranh.
- Công nghiệp đóng tàu thì chúng ta đều biết nó gây hậu quả với môi trường như thế nào rồi, những nước phát triển không ai còn làm nữa nên mới mang sang ta, vì thế nên dừng càng sớm càng tốt. Tất cả những cái đó không phải là tương lai đất nước, dù vẫn có những trường hợp đặc biệt có sự đột phá. Phần lớn người dân Việt Nam vẫn là những người sống về nghề nông, nếu cho họ một môi trường để tự phát triển, đem tới những công nghệ mới nhất từ Israel, từ Hoa Kỳ, từ châu Âu … thì sức đột phá nông nghiệp Việt Nam có thể nói sẽ rất cao.
- Tôi lấy ví dụ cà phê. Chúng ta trồng cà phê 100 năm nay sản lượng không tăng, chất lượng không cải thiện. Chúng ta ở trong nhóm những quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, nhưng thương hiệu hoàn toàn không có, chất lượng không được đánh giá cao, chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô để người ta chế biến mà thôi. Dù “ông chủ” cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ cũng là bạn tôi, lúc nào cũng ca tụng thương hiệu của mình, nhưng thực tình trên thế giới không ai biết đến. Câu chuyện xuất khẩu gạo cũng tương tự.
- Vậy nên mới nói cần phải có sự đột phá. Chẳng hạn thay vì trồng điều chúng ta có thể trồng cây vani giá trị kinh tế hơn rất nhiều, với thời giá bây giờ trên thế giới 1kg khoảng hơn 20.000USD. Ngay cả việc nuôi cá xuất khẩu, tôi có một anh bạn đang chuyển hướng hoạt động mạnh trong việc nuôi cá tầm để lấy trứng bán mấy ngàn USD/kg thay vì đi bán cá tra như trước.
- Tất cả cơ hội nằm ở đó, nhưng phải biết nắm bắt. Muốn nắm bắt được thì phải có chất xám, có tìm tòi suy nghĩ; mà quan trọng nhất là phải dám đột phá mới dám tận dụng các chất xám được cung cấp hay tự tìm tòi học hỏi được.
– TS. Alan Phan –
Trích từ sách Góc nhìn Alan – Dành tặng doanh nhân Việt trong thế trận toàn cầu
Bài viết được lấy Trang Facebook Goc Nhin Alan