Các chuỗi sản xuất nông nghiệp chưa quan tâm người tiêu dùng

Có trường hợp người trồng sầu riêng sẵn sàng cắt trái non rồi nhúng thuốc bán đồng loạt cho thương lái mà không quan tâm đến người tiêu dùng.

Đây là biểu hiện của sự không hoàn thiện trong một số chuỗi liên kết ở Việt Nam được ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre nêu tại “Diễn đàn Phát triển chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp an toàn” ngày 29/9.

Theo ông Đức, cách làm này cho thấy chuỗi cung ứng chỉ quan tâm đến khâu bán sỉ. “Chuỗi ở Thái Lan rất quan trọng người ăn sầu riêng, còn mình bán cho thương lái là xong. Một chuỗi bền vững phải hướng tới người tiêu dùng chứ chỉ dừng ở nhà phân phối là không ổn”, ông nói.

Ông Bùi Văn My, Phó tổng giám đốc Công ty Nông nghiệp Sài Gòn thì trải lòng về một tình huống từng gặp trong liên kết tiêu thụ sản phẩm thiếu chặt chẽ. Ông cho biết khi thị trường thuận lợi, các đầu mối lấy hàng của công ty, lúc không thuận lợi, họ nhập ít lại rồi thay bằng hàng lấy từ chỗ khác với giá rẻ hơn để cung cấp cho khách.

Kiểu làm ăn này cũng tồn tại trong các chuỗi cung ứng rau quả, dễ tạo điều kiện hàng kém chất lượng len lõi, làm mất lòng tin người tiêu dùng nếu có sự cố. Ông My cho biết thực tế có những đơn vị sở hữu chứng nhận VietGap cho một diện tích canh tác rất bé nhưng sản lượng bán ra cho đối tác hàng ngày khá lớn. Trong khi, đối tác thu mua chỉ biết nhà cung cấp có VietGap mà không tìm hiểu kỹ năng lực sản xuất thực sự của họ. “Đây là kiểu liên kết không bền vững”, ông nói.

Ông Bùi Văn My chia sẻ tại diễn đàn ngày 29/9. Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp

Ông Bùi Văn My phát biểu tại diễn đàn ngày 29/9. Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp

Các chuỗi cung ứng ở Việt Nam ngày càng nhiều nhưng tình trạng được mùa mất giá vẫn tồn tại. Theo các chuyên gia, một phần còn do điểm yếu khác là kém khả năng dự báo chính xác nhu cầu thị trường để điều phối kế hoạch sản xuất. Mới trung tuần tháng 8, có 14 ha đu đủ ở Nghệ An bị từ chối thu mua và sau đó thanh lý hợp đồng là một ví dụ.

Tiến sĩ Từ Minh Thiện, Tổng giám đốc công ty Phát triển Dịch vụ Thái Bình Dương cho biết hiện ngành nông nghiệp chưa có khả năng tính toán chính xác được tổng cung – cầu thị trường. Để tính được cần có thị trường hàng hóa giao ngay, bán sỉ và tương lai mới xác định cần sản xuất bao nhiêu.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, những chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết nông nghiệp có nhiều nhưng không dễ vận dụng, đôi khi phản tác dụng.

Ví dụ, Nghị định 98/2018 khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với hỗ trợ 100% chi phí tư vấn, 30% vốn đầu tư hạ tầng liên kết, hỗ trợ xây dựng khuyến nông, đào tạo nghề.

Tuy nhiên, để hưởng các ưu đãi không dễ. Khó khăn phổ biến là các hợp tác xã khó tìm được đơn vị tư vấn có năng lực. Để làm liên kết, họ cũng cần nguồn lực tài chính, quy trình kỹ thuật, vốn những yêu cầu không dễ, khiến các hợp tác xã thấy lúng túng khi xây dựng dự án, kế hoạch, phương thức liên kết.

Đơn cử, ông Lê Văn Đông, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết Nghị định 98 quy định về điều kiện để được hỗ trợ như: sản phẩm nông nghiệp có chu kỳ nuôi, trồng, khai thác từ một năm trở lên; thời gian liên kết tối thiểu 5 năm. Các doanh nghiệp khó thực hiện điều này do thị trường đầu ra của hầu hết nông sản không ổn định; giá cả thay đổi theo mùa vụ.

Ông Đông nhận định việc sửa đổi bổ sung Nghị định 98 phù hợp hơn là cần thiết. “Tổng kết 5 năm tại tỉnh, chúng tôi chỉ thực hiện được 4 dự án (tổng kinh phí 178 tỷ đồng) và 13 chuỗi, còn rất khiêm tốn”, ông cho biết.

Một hạn chế khác là chính sách liên kết đôi khi bị cản trở bởi địa giới hành chính. “Sản xuất nông nghiệp phải tính vùng nguyên liệu theo tính chất thổ nhưỡng của đất đai chứ không theo địa giới hành chính. Nhưng hiện không thể mang ngân sách nơi này đi đầu tư hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu cho địa phương khác” Tiến sĩ Từ Minh Thiện phân tích thế khó.

Hay như ông Bùi Văn My cho hay việc TP HCM cấm lò giết mổ thủ công nhưng các tỉnh xung quanh không cấm. Kết quả, các đầu mối chạy về tỉnh mổ heo rồi mang về TP HCM tiêu thụ, khiến lò mổ tại chỗ bị “ế”. “Quy định này tốt nhưng cục bộ nên không hiệu quả. Chính sách liên kết phải mang tính vùng”, ông nói.

Năm 2022, xuất khẩu nông – lâm – thủy sản của Việt Nam đạt kỷ lục 53,2 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021. Trong đó, riêng nông sản đạt trên 22 tỷ USD. Theo ông Thiện, thị trường đang có 5 yêu cầu: giá cả cạnh tranh; cung cấp thường xuyên – đúng hạn; cung cấp số lượng lớn; chất lượng tốt; an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, xu hướng tiêu thụ hiện giao thoa của 3 yếu tố: tốt cho sức khỏe, thuận tiện và thích thú. Để các chuỗi liên kết phát triển hiệu quả, các chuyên gia cho rằng cần có những mô hình mới, phát triển thị trường hàng hóa tập trung và sự dẫn dắt của nhà quản lý.

Ông Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam nói quy định mã số vùng trồng còn nhiều bất cập về diện tích sản xuất so với thực tiễn. Do đó, cần xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới, có quỹ hỗ trợ phúc lợi để bù lỗ nếu thị trường bất lợi.

Tiến sĩ Từ Minh Thiện cho rằng giai đoạn đầu phát triển chuỗi, vai trò nhà nước và các viện, trường rất quan trọng trong việc hình thành và duy trì các thành viên trong liên kết, thông qua các ưu đãi vốn vay, hỗ trợ kỹ thuật và thị trường.

Hỗ trợ tài chính sẽ giảm dần, chỉ còn các hỗ trợ về mặt kỹ thuật, về xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Dần dần, các chuỗi sẽ được hình thành và vận hành tự giác, dựa trên hiệu quả kinh tế và hợp tác tự nguyện giữa các thành viên.

Viễn Thông

Nguồn: vnexpress.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *