Cà tím là loại cây dễ trồng, mang lại giá trị kinh tế tương đối tốt cho bà con nông dân. Để tăng năng suất, bà con có thể áp dụng cách trồng và chăm sóc cà tím theo phương pháp tưới nhỏ giọt.
Thời vụ trồng cà tím theo phương pháp tưới nhỏ giọt
Cây cà tím là cây ưa ấm, mát nên bà con tránh trồng vào các thời điểm thời tiết rét khoảng tháng 11, 12, 1 và cũng không nên trồng thời điểm nắng oi bức tháng 5, tháng 6. Tùy từng vùng, miền có điều kiện khí hậu thời tiết khác nhau mà bạn có thể lên kế hoạch trồng cà tím phù hợp. Thông thường cà tím được trồng vào vụ hè thu (từ tháng 4 –tháng 7) hoặc vụ Đông Xuân (từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau.
Để trồng cà tím, bạn mua hạt giống tốt, sau đó ngâm với nước ấm nhiệt độ dao động từ 40 – 50 độ C trong khoảng 1 tiếng. Lấy vải cotton mềm ủ hạt tới khi hạt nứt ra rồi đem ươm. Đất ươm trộn với xơ dừa, tro, phân chuồng hoai mục, làm ẩm đất rồi rắc hạt lên, sau đó phủ xơ dừa trên mặt. Đến khi cây ra 2 – 3 lá thì nhổ đem trồng.
Khoảng cách trồng cà tím theo phương pháp tưới nhỏ giọt
Về khoảng cách luống, lối đi, hàng, khoảng cách giữa các cây cà tím mang tính chất tương đối, tùy theo từng hộ nông dân. Dưới đây là một vài thông số cơ bản bà con có thể tham khảo:
Khoảng cách luống: Cây cà tím lớn trưởng thành tán lá tương đối rộng, do vậy độ rộng của luống cần trung bình 60 -70cm, luống cao trung bình 25 – 30cm để dễ thoát nước trong mùa mưa, tránh úng và thối rễ.
Khoảng cách cây: Tùy giống và thời vụ, nếu giống cây thấp và tán hẹp thì bố trí trồng dày hơn và ngược lại. Mật độ trung bình trồng cà tím ước tính khoảng 1.200 – 1.400 cây/1.000m2, mỗi luống trồn 1 hàng, cây cách cây khoảng 60 – 70cm.
Khoảng cách lối đi: Lối đi giữa các luống cà tím cần đảm bảo rộng rãi, thông thoáng, giúp việc chăm sóc và thu hoạch sau này dễ dàng hơn. Nếu muốn tiết kiệm diện tích, bạn có thể làm lối đi rộng 40 – 50cm, trường hợp muốn rộng hơn bạn có thể làm rộng 60 -70cm tùy ý.
Khoảng cách bố trí hệ thống tưới nhỏ giọt: Dây/ống tưới nhỏ giọt sẽ được trải dài mặt luống, sát gốc cây. Khoảng cách giữa các mắt tưới tương đương với khoảng cách giữa các cây cà tím. Như ở trên đã trình bày, cây cà tím cách nhau khoảng 60 – 70cm, do vậy bà con nông dân cũng cần chú ý chọn ống/ dây tưới có mắt tưới khoảng cách tương tự, đảm bảo mỗi gốc cà tím có 1 mắt tưới, cung cấp nước cho cây trồng phát triển khỏe mạnh.
Độ ẩm và lưu lượng nước tưới cho cà tím theo giai đoạn
Cây cà tím là loại cây ưa ẩm nhưng không chịu được quá ẩm, dễ làm thối gốc và rễ cây. Do vậy việc căn chỉnh lưu lượng nước tưới, độ ẩm đất từ khi trồng đến lúc thu hoạch là hết sức quan trọng.
Lúc ươm: Thời gian ươm mỗi ngày bạn nên tiến hành tưới nước 1 – 2 lần vào sáng sớm và chiều tối. Chú ý nên dùng bình xịt để tưới thay vì dội thẳng nước vào sẽ làm trôi hạt hoặc thừa nước gây thối.
Lúc cây con: Cà tím mới trồng xong rất cần tưới nhiều nước. Trung bình 1 ngày bạn cần tưới ít nhất 1 lần vào buổi chiều muộn, tưới liên tục khoảng 1 tuần để cây cà tím con được hồi phục, ra rễ khỏe hơn, tạo tiền đề cho sự phát triển. Độ ẩm trong đất giai đoạn này đảm bảo từ 70 – 80%.
Lúc cây trưởng thành: Bạn nên đảm bảo 3 – 4 ngày tưới 1 lần, mỗi lần 2- 3 tiếng. Trong giai đoạn cây bắt đầu ra hoa và quả, không nên để mặt đất quá khô. Vì như vậy sẽ làm hoa và quả không được cấp đủ dinh dưỡng cho ra năng suất không cao. Nhìn chung giai đoạn này độ ẩm đất cần duy trì từ 60 – 70%.
Hãy cắt bỏ các lá già phía dưới để phần gốc cây được thoáng khí. Bổ sung thêm phân hữu cơ khi cây bắt đầu ra hoa đợt đầu tiên và sau khi thu hoạch các đợt quả.
Lúc sắp thu hoạch: Giai đoạn này cà tím vẫn cần lượng nước tưới đều đặn để nuôi quả, nuôi hoa tiếp tục phát triển. Vẫn duy trì đều đặn 3 – 4 ngày tưới 1 lần.
Ưu điểm của tưới nhỏ giọt cho cà tím
Tiết kiệm nước, phân bón: Với hệ thống tưới nhỏ giọt, nước cung cấp từ từ, nhỏ giọt, thấm ngay xuống đất, không bốc hơi, không xói mòn, rửa trôi phân bón do vậy ước tính tiết kiệm cho bà con nông dân hơn 50% lượng nước và 20 – 30% phân bón.
Hạn chế các loại nấm bệnh trên lá: Tưới nhỏ giọt, nước tưới được cung cấp quanh gốc cây cà tím, do vậy nước không dính và đọng trên lá, hạn chế nấm bệnh phát triển sinh sôi, làm cây còi cọc và chết.
Tăng năng suất: Nhờ được cung cấp độ ẩm thường xuyên, lượng nước vừa đủ trong mỗi giai đoạn mà năng suất thu hoạch cà tím trồng theo phương pháp nhỏ giọt tăng đáng kể, giúp bà con tăng thêm lợi nhuận. Ước tính năng suất tăng thêm ít nhất từ 20 – 30 % so với cách tưới nước truyền thống.
Thời gian thu hoạch cà tím
Cà tím trồng khoảng 60 – 70 ngày thì bắt đầu cho thu hoạch. Quả cà tím lúc này có trọng lượng khá nặng, vỏ căng, từ tím đậm chuyển sang tím nhạt hơn, không nên để quả quá già mới thu hoạch bởi sẽ khiến cây mất sức nuôi, đồng thời chất lượng dinh dưỡng trong quả cũng bị giảm sút.
Cà tím cho thu hoạch nhiều đợt, trong khoảng thời gian tương đối dài, từ 2 – 3 tháng, thậm chí nếu được chăm sóc, bón phân, tưới nước, cắt tỉa thường xuyên thì có thể thu hoạch được 4 – 5 tháng. Trong quá trình thu hoạch bạn tránh làm gãy các cành, nhánh, kiểm tra sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ sớm.