Phương pháp trồng và cách chăm sóc cây ớt (ớt chỉ thiên, ớt sừng, ớt chuông…) bằng phương pháp tưới nhỏ giọt giúp bà con nông dân tiết kiệm sức lao động, tăng năng suất cây trồng lên tới 120 – 140%.
Thời vụ trồng ớt theo phương pháp tưới nhỏ giọt
Cây ớt là loại cây dễ trồng, có thể trồng quanh năm nhưng bạn nên tập trung chủ yếu trồng vào 3 vụ chính để đảm bảo năng suất được cao nhất, bao gồm:
- Vụ xuân hè: Bắt đầu gieo hạt từ tháng 2 – 3, thu hoạch vào tháng 5 – 6 dương lịch
- Vụ thu đông: Tiến hành gieo hạt tháng 9, thu hoạch vào tháng 12 dương lịch
- Vụ đông xuân: Gieo hạt tháng 11 – 12 và thu hoạch tháng 2, 3 dương lịch.
Để trồng ớt, bạn đến các cửa hàng vật tư nông nghiệp để mua hạt giống, đảm bảo hạt nảy mầm cao. 1 ha trung bình cần từ 150 -200g hạt ớt giống. Bạn tiến hành ngâm hạt ớt với nước sạch khoảng 6 tiếng, tiếp đến ngâm với thuốc trừ nấm trong 30 phút, rửa sạch rồi ủ trong khăn mềm ấm, cho vào bao nilon. Khoảng 2 ngày sau hạt bắt đầu nứt và ra rễ, tiến hành ươm.
Khoảng cách trồng ớt theo phương pháp nhỏ giọt
Khoảng cách luống: Thực tế thì có rất nhiều nơi, vùng trồng ớt theo phong cách khác nhau, có nơi trồng theo luống, có nơi lại không như vậy, san bằng đất và trồng theo rạch thẳng hàng, tiết kiệm diện tích là dõng luống. Thường khoảng cách luống dao động từ 30 – 50cm tùy thuộc vào kiểu trồng của bạn.
Khoảng cách cây: Mật độ trồng ớt trung bình là 1.7 đến 1.9 nghìn cây/ha, các cây cách cây 60cm. Sở dĩ khoảng cách giữa các cây rộng vậy bởi khi trưởng thành cây ớt tán lá thường rộng, việc trồng như vậy tránh các cành nhánh của các cây chen chúc, ảnh hưởng đến nhau.
Khoảng cách lối đi: Lối đi trung bình rộng 30 – 50cm, khoảng cách này đảm bảo thuận tiện cho việc di chuyển để người trồng chăm sóc, bón phân, thu hoạch ớt.
Khoảng cách bố trí hệ thống tưới nhỏ giọt: Khoảng cách giữa các cây ớt trung bình 60cm, do vậy người trồng cần bố trí các dây hoặc ống tưới nhỏ giọt có các mắt tưới cách nhau đều đặn 60cm. Có như vậy mới đảm bảo mỗi gốc cây ớt có 1 mắt tưới, cung cấp đủ lượng nước cần thiết để cây phát triển khỏe mạnh trong từng giai đoạn.
Xem thêm:
Độ ẩm và lưu lượng nước tưới ớt theo giai đoạn
Ớt là cây trồng cạn không chịu được ngập úng nước, nhưng không chịu được hạn. Nhu cầu nước của cây ớt thay đổi tùy theo điều kiện khí hậu, kỹ thuật trồng trọt, thời vụ gieo trồng, giống và đặc biệt là phụ thuộc từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây.
Lúc ươm: Cần phải tưới đẫm nước để hạt ớt no nước, nảy mầm nhanh và khỏe. Nếu đất quá khô thì hạt khó nảy mầm hoặc nếu có thì dễ bị héo quắt sau đó. Còn nếu đất úng quá thì gây thối hạt. Độ ẩm đất phù hợp cho ớt trong giai đoạn ươm là từ 70 – 80%.
Lúc cây con: Khi đem cây con ớt ra trồng trên ruộng, bạn nên trồng vào thời điểm chiều tối mát mẻ, cây sẽ không bị héo. Sau khi trồng tưới nước để đất dính chặt vào gốc, cây không bị đổ. Tiếp đến trong 1 tuần tới, mỗi ngày tưới nước 1 – 2 lần vào sáng sớm và chiều tối để ớt hồi cây và bén rễ nhanh, tạo điều kiện cây sinh trưởng tốt sau này. Độ ẩm của đất cần đạt khoảng 60 -70%.
Lúc cây trưởng thành: Đây là thời kỳ cây phân nhánh và ra hoa, đậu quả nên cây ớt cần tưới nhiều nước. Đặc biệt là ở giai đoạn cuối khi quả chín, nếu thiếu nước ở giai đoạn này quả sẽ chín ép, quả nhỏ, màu sắc mã quả kém hấp dẫn, tỷ lệ quả lép cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng quả. Độ ẩm đất trong giai đoạn này cần đảm bảo 70 – 75%.
Lúc thu hoạch: Ớt là loại cây thu hoạch tương đối dài ngày, tầm 3 – 4 tháng, trong thời gian bắt đầu thu hoạch thì cây vẫn tiếp tục ra hoa, đậu quả, do vậy bạn vẫn cần thường xuyên tưới nước cho ớt để đảm bảo năng suất. Trung bình khoảng 4 – 5 ngày tưới nước 1 lần, độ ẩm đất đạt 60 – 65%.
Ưu điểm của tưới nhỏ giọt cho cây ớt
Tiết kiệm nước, phân bón: Ước tính phương pháp tưới nhỏ giọt cho cây ớt nói riêng và các loại cây hoa màu, ăn quả khác nói chung tiết kiệm giúp bà con 50% lượng nước và 30% lượng phân bón. Lý do bởi nước tưới chảy nhỏ giọt, không bốc hơi, không làm rửa trôi phân bón…
Tiết kiệm công sức: Bà con nông dân thay vì đầu tắt mặt tối trên đồng ruộng để lo tưới tiêu, nhổ cỏ, bón phân cho cây trồng thì giờ đây có thể thảnh thơi, dành thời gian nghỉ ngơi hoặc trồng nhiều loại cây khác, góp phần tăng gia. Hệ thống tưới nhỏ giọt hoàn toàn tự động và dễ thực hiện, bà con chỉ cần cắm máy bơm, vặn van xả là nước sẽ tự động theo các đường ống tưới truyền đến từng gốc.
Hạn chế các loại nấm bệnh trên lá: Tưới nhỏ giọt ở diện tích trồng ớt, mỗi cây ớt sẽ có một mắt tưới ở gốc, nước tưới sẽ không bị dính và đọng trên lá, nhờ vậy hạn chế sự sinh sôi và phát triển của sâu bệnh, nấm bệnh hại cho cây trồng. Người trồng vì thế không cần tốn công phun thuốc, nhổ bỏ các cây bệnh…
Tăng năng suất: Việc áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt cho ớt là bước đi mới trong ngành nông nghiệp. Cây ớt được cung cấp đủ lượng nước trong từng giai đoạn phát triển, nhờ vậy tăng tỉ lệ đậu trái, quả ớt to và nặng, mẫu mã đẹp hơn, góp phần tăng sản lượng thu hoạch, tăng năng suất cho bà con nông dân. Chi phí đầu tư ban đầu để lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho ớt tuy cao nhưng về lâu về dài mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời.
Thời gian thu hoạch ớt
Thông thường trung bình kể từ khi bắt đầu gieo hạt đến khi thu hoạch bạn sẽ mất từ 2.5 đến 3 tháng. Thời gian thu hoạch ớt kéo dài tầm 3 – 4 tháng. Dấu hiệu nhận biết thời điểm thu hoạch rất dễ dàng, với những trái ớt như chỉ thiên, ớt chuông màu đỏ… thì bạn thấy trái đỏ thì sẽ thu hoạch. Còn đối với những trái ớt như ớt chuông xanh thì bạn thấy vỏ màu ớt xanh đen, cứng và già thì thu hoạch.
Khi hái nhớ cắt cả cuống trái, hết sức nhẹ nhàng, tránh làm gãy các cành nhánh xung quanh. Tùy vào số lượng ớt chín nhiều hay ít mà bạn sẽ tiến hành thu hoạch 1 – 2 ngày thu hoạch 1 lần.