TƯỚI NƯỚC HIỆU QUẢ CHO CÂY CÀ PHÊ VÀO MÙA KHÔ -Béc tưới AQUAPRO 40X

Dòng béc tưới cây cà phê

Tưới nước quyết định đến sinh trưởng và năng suất cà phê ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ, giúp cà phê duy trì sinh trưởng đồng thời để cây ra hoa trong mùa khô.

Thiếu nước trong giai đoạn ra hoa, đậu quả có thể làm hoa không nở được, thụ phấn không đầy đủ, lá rụng, các cành mang hoa có thể bị khô, chết.

Để tưới nước có hiệu quả cho cà phê trong mùa khô, cần tuân theo các nguyên tắc sau:

Tưới đúng lúc: Xác định đúng thời điểm tưới lần đầu để hoa nở tập trung rất quan trọng. Sau khi thu hoạch, cho vườn cà phê chịu khô hạn khoảng 2 – 2,5 tháng tùy điều kiện thời tiết từng năm và tiểu vùng sinh thái của vườn.

Khô hạn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phân hóa mầm hoa của cây cà phê. Khô hạn càng dài, mầm hoa càng phân hóa triệt để. Nếu tưới sớm quá khi cây chưa phân hoá mầm hoa đầy đủ sẽ ít hoa, hoa nở lai rai không tập trung gây trở ngại cho thu hoạch và năng suất cũng không cao. Tuy vậy, nếu tưới muộn quá, sẽ làm cây bị suy kiệt, rụng lá, khô cành.

Thời điểm cây phân hóa mầm hoa đầy đủ được xác định khi các mầm hoa của cây cà phê đã xuất hiện ở nách lá các đốt đầu mút cành, mầm hoa có màu trắng xanh, dài khoảng 1cm. Lá cây cà phê vào ban trưa có biểu hiện héo nhẹ, xếp lá thì đây là thời điểm cần tưới đợt một cho vườn cà phê. Khi cây có biểu hiện héo nhẹ thì tầng đất mặt 0 – 30cm đã ở vào ngưỡng độ ẩm cây héo của cà phê (26 – 28%), nếu độ ẩm đất thấp hơn nữa sẽ ảnh hưởng tới sinh trưởng cây.  

Tưới đủ: Khi hoa đã phân hóa đầy đủ, tưới nước đầy đủ giúp hoa nở tốt, nếu tưới thiếu sẽ dẫn đến tình trạng hoa chanh, không nở, khô chùm hoa, rụng lá và nặng nữa là chết cành. Tưới thừa gây lãng phí chi phí đầu tư, ngoài ra còn làm cạn kiệt nguồn tài nguyên nước ngày càng khan hiếm ở vùng đất cao.

Chu kỳ tưới và số lần tưới trong mùa khô tùy thuộc vào điều kiện thời tiết của năm, của vùng và điều kiện canh tác của vườn cà phê. Ở Tây Nguyên và Đông nam bộ, chu kỳ này biến động từ 25 – 30 ngày 1 lần. Thậm chí có những nơi thời tiết khắc nghiệt, khô hạn kèm nắng nóng, chu kỳ tưới phải ngắn hơn.

Lượng nước tưới trong lần tưới đầu tiên bao giờ cũng cao hơn các đợt sau khoảng 15% vì lượng hoa nở chủ yếu tập trung trong đợt tưới đầu. Khi hoa nở, cây hô hấp mạnh, nhu cầu nước của cây tăng gấp nhiều lần so với bình thường.

Tưới đuổi khi cần thiết: 

Khi có những cơn mưa trái mùa trong mùa khô mà cây đã phân hóa mầm hoa khá nhiều, nông dân nên đánh giá lượng mưa đó có đủ để cây nở hoa bình thường không. Tuy hoa cà phê có thể nở ở ngưỡng mưa rất thấp (5 – 10mm), nhưng để hoa nở được bình thường, cần một lượng mưa tối thiểu 30mm.

Nếu đánh giá lượng mưa không đủ cho hoa cà phê nở bình thường, phải tưới đuổi. Tưới đuổi là tưới ngay sau cơn mưa bất thường đó 1 – 2 ngày, không để tới khi hoa đã nhú dài chuẩn bị nở mới tưới hoặc sau khi thấy hoa khó nở, bị hoa chanh mới tưới thì không còn kịp nữa.

Hai kỹ thuật tưới phổ biến đang được áp dụng tại các vùng trồng cà phê là: Tưới phun mưa và tưới gốc.

+ Tưới phun mưa phải tính toán sao cho 1 ha phải được tưới khoảng 800 m3/ha trong lần tưới đầu tiên, các lần sau khoảng 650m3/ha. Tưới phun mưa phù hợp yêu cầu sinh lý của cây cà phê trong mùa khô hạn nhưng có nhược tiểm tổn thất nhiều nước và tiêu tốn nhiều nhiên liệu.

+ Tưới gốc lần đầu phải tưới khoảng 450 – 500 lít/gốc và các lần sau khoảng 400 lít/gốc. Tưới gốc có lợi điểm trang thiết bị rẻ tiền, ít tổn thất nước hơn tưới phun mưa nhưng nhược điểm là tốn công lao động, thao tác vận hành trên vườn cà phê nặng nhọc, vất vả. 

+ Ngoài hai phương pháp tưới nói trên, gần đây kỹ thuật tưới nước tiết kiệm cho cà phê bằng phun mưa dưới tán hay tưới nhỏ giọt cũng đã được giới thiệu ra sản xuất, tuy vậy đến nay kỹ thuật tưới tiết kiệm vẫn chưa được người trồng cà phê nhiệt tình đón nhận và áp dụng.

Với kỹ thuật phun mưa dưới tán, đợt tưới đầu cho cà phê kinh doanh chỉ cần 350 – 400 lít nước/gốc. Những lợi điểm của hệ thống này đã được khẳng định qua các nghiên cứu về tưới nước cho cà phê.

Theo Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, tưới tiết kiệm bằng phun mưa dưới tán có thể tiết kiệm được 20% lượng nước tưới trong cả vụ tưới mà vẫn bảo đảm sinh trưởng, năng suất cây cà phê. Ngoài ra, có thể kết hợp bón phân qua nước tưới, điều này cũng làm giảm công bón phân và còn nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, tiết kiệm được từ 20 – 25% lượng phân bón cả năm. Đây quả thực là một kỹ thuật tưới nước tiến bộ, giải phóng người trồng cà phê khỏi lao động thủ công nặng nhọc khi tưới gốc, phải kéo ống tới từng gốc cà phê.

Tưới nước tiết kiệm còn giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên nước để việc canh tác cà phê ngày càng thân thiện với môi trường hơn. Và điều thiết thực nhất đối với người trồng cà phê là có thể chủ động tưới kết hợp bón phân cho cà phê trong cả mùa khô lẫn mùa mưa. Thời tiết thất thường trong những năm gần đây do biến đổi khí hậu khiến việc bón phân cho cây cà phê không còn thuận lợi như nhiều năm trước đây.

Trong mùa mưa, có thể có những đợt khô hạn kéo dài làm người nông dân không thể dựa vào mưa để bón phân đúng theo yêu cầu của cây vào từng thời kỳ cây cần, hệ thống tưới tiết kiệm sẽ khắc phục điều này. Ngoài ra, vào mùa khô, khi cần tưới đuổi để đảm bảo hoa cà phê nở bình thường, thì một hệ thống tưới sẵn có trên lô sẽ giúp nông dân giải quyết kịp thời một cách nhẹ nhàng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *