Sầu riêng là loại cây ăn quả lâu năm. Nếu được chăm sóc tốt, giai đoạn kiến thiết cơ bản thường kéo dài đến hết năm thứ 4, sau đó cây bắt đầu cho trái với năng suất tăng nhanh dần, cho thu hoạch ổn định ở năm thứ 7 và năng suất vườn sẽ giảm nhanh ở giai đoạn cuối. Thời gian kinh doanh của cây sầu riêng trung bình là 25 năm.
I. YÊU CẦU NGOẠI CẢNH
1. Đất trồng
– Loại đất: Sầu riêng thích hợp với đất có tầng canh tác dày, giàu chất hữu cơ, thoát nước tốt trong mùa mưa và có khả năng cung cấp nước trong mùa khô. Cây không phát triển ở các vùng đất nhiễm mặn, phèn, đất có tỷ lệ sét cao và độ phì nhiêu kém.
– Độ pH: đảm bảo độ pH nằm trong khoảng 5,5 – 6,5 để cây phát triển tốt nhất và đồng thời hạn chế sự phát triển của nấm Phytophthora palmivora gây hại. Để nâng pH đất hiệu quả: cần thực hiện bón vôi hằng năm.
2. Nước
– Cây có thể sinh trưởng, phát triển ở nơi có lượng mưa từ 1.600 – 3.000 mm/năm (tốt nhất là 2.000 mm/năm), để đảm bảo được lượng nước thích hợp cho cây sầu riêng, bà con có thể chọn các loại béc tưới của Thành Phát sao cho phù hợp với diện tích và số lượng
3. Ánh sáng
– Khi cây còn nhỏ: cây ưa bóng râm, nên muốn cây mọc tốt cần che nắng cho cây nhưng không nên che quá 30 – 40% ánh nắng mặt trời.
– Khi cây lớn: cần nhiều ánh sáng để quang hợp, hình thành hoa quả thuận lợi.
4. Nhiệt độ, ẩm độ không khí
Khoảng nhiệt độ thích hợp cho sầu riêng sinh trưởng là 24 – 300C và ẩm độ vào khoảng 75 – 80%. Riêng giai đoạn ra hoa, cây cần có nhiệt độ từ 20 – 220C, ẩm độ 50 – 60%.
II. CÁC GIỐNG PHỔ BIẾN
– Giống trồng phổ biến hiện nay: Ri 6, Monthong, Musangking. Đặc điểm tiêu biểu của một số giống phổ biến hiện nay:
1. Giống Ri 6
Có nguồn gốc từ Mianma, khá dễ trồng, cây sinh trưởng mạnh, phân cành ngang đẹp, tán hình tháp, năng suất khá cao và ổn định, phù hợp để trồng diện tích lớn, được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Thời gian từ khi đậu trái đến khi thu hoạch vào khoảng 100 – 105 ngày.
Đặc điểm quả: Hình bầu dục, to, tròn, cân đối, trọng lượng trung bình vào khoảng 2,5 – 3 kg/trái, có từ 4 – 5 khía múi/trái, có thể để chín tự nhiên. Khi chín, vỏ trái có màu xanh, cơm dày và có vàng đậm bắt mắt, dẻo, vị ngọt, không xơ, mùi thơm nồng, hạt lép
2. Giống Monthong
Có nguồn gốc từ Thái Lan, dễ trồng, tán hình tháp, cần chú ý xử lý sâu bệnh kịp thời, bón phân cân đối để cây bảo đảm năng suất ổn định. Thời gian từ khi đậu trái đến khi thu hoạch vào khoảng 115 – 120 ngày.
Đặc điểm quả: Hình trứng, cân đối, đỉnh trái nhọn, trọng lượng trung bình từ 2,5 – 4,5kg/trái, có từ 5 – 6 khía múi/trái, khe múi đồng đều. Khi chín vỏ có màu xanh nhạt, mỏng, hơi bóng, khe múi lộ rõ; cơm dày, mịn có màu vàng nhạt, mùi thơm nhẹ, không xơ, vị ngọt thanh, béo vừa phải; hạt lép.
3. Giống Musang King
Có nguồn gốc từ Malaysia, cây sinh trưởng rất khỏe mạnh, chưa thấy dấu hiệu không phù hợp khi được trồng tại Việt Nam. Cây phát triển tốt ở những nơi có khí hậu nóng, có nhiệt độ trung bình 30 – 35oC, cần ánh sáng cao và cho trái khi trồng được từ 3 – 5 năm, chiều cao cây tối đa là 5m. Khác với những giống cây sầu riêng khác phải cắt thẳng trái từ cây khi chín thì sầu riêng Musang King sẽ tự rụng xuống.
Đặc điểm quả: Hình dạng quả thay đổi từ hình oval đến hình elip, nhận dạng giống rõ nhất ở đặc điểm đặc điểm hình ngôi sao do các khe giữa các múi tạo thành ở phía cuối quả; cân đối, trọng lượng trung bình từ 1,8 – 2,5kg/trái. Khi chín, vỏ có màu xanh nhạt hoặc vàng nâu, cơm có màu vàng đậm và ráo, hạt lép hoàn toàn, có vị béo như bơ, ngọt thanh, để lâu hơi đắng; thịt quả rất mịn, không xơ.
– Hoa sầu riêng là loại hoa lưỡng tính, nở về đêm và có mùi rất mạnh nhưng khả năng tự thụ phấn rất kém do nhị đực và nhụy cái của hoa không nở cùng một lúc. Vì vậy, cần tạo điều kiện để sự thụ phấn chéo xảy ra giúp quả sầu riêng lớn, cân đối và đạt năng suất cao. Một số biện pháp được đề nghị như sau:
+ Trồng 02 giống (01 giống là chủ lực của vườn và 01 giống có tác dụng thụ phấn) xen lẫn với nhau, có thể bố trí theo sơ đồ sau:
+ Trong trường hợp chỉ trồng 01 giống, sử dụng các loài động vật nhỏ giúp ích cho quá trình thụ phấn như: ong lấy mật, các loài bướm đêm, dơi nhỏ.
III. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC
1. Thời vụ và khoảng cách trồng
– Thời vụ: Thích hợp nhất khi mùa mưa đã bắt đầu (cuối tháng 6 – đầu tháng 7).
Khoảng cách trồng : tốt nhất nên trồng thưa để vườn thông thoáng, cây khoẻ mạnh, dễ chăm sóc và ít bị bệnh thối trái. Tuỳ theo thực tế mà có nhiều phương thức trồng như trồng thuần hay trồng xen.
+ Nếu trồng thuần: 125 cây – 156 cây/ha ( 8m x 8 –10m/cây).
+ Nếu trồng xen: 70 cây – 100 cây/ha (10m x 12m/cây).
2. Cây giống
– Cây phải được nhân giống vô tính bằng phương pháp ghép mắt hoặc ghép cành, có nguồn gốc rõ ràng. Lưu ý không được trồng sầu riêng bằng hạt.
– Gốc ghép thẳng, đường kính gốc ghép 1,0 – 1,5 cm, bộ rễ phát triển tốt.
– Thân, cành, lá: Thân thẳng và vững chắc, có từ 3 cành cấp 1 trở lên, các lá ngọn đã trường thành, xanh tốt và có hình dạng, kích thước đặc trưng của giống. Chiều cao cây giống (tính từ mặt giá thể bầu ươm đến đỉnh chồi) đạt từ 80 cm trở lên.
– Cây phải đúng giống như tên gọi ghi trên nhãn hiệu và phải đang sinh trưởng khỏe, không mang các loại dịch hại chính như: bệnh thán thư, bệnh do nấm Phytophthora, bọ phấn,…
3. Kỹ thuật trồng
a. Đào mương, lên liếp:
– Trường hợp lên liếp đơn thích hợp trồng chuyên canh: Liếp rộng 6 – 8 m; mương rộng 1 – 2 m, sâu từ 1 – 1,2 m.
– Liếp đôi thích hợp trồng xen một số cây trồng khác để lấy ngắn nuôi dài: Liếp rộng 10 – 12 m; mương rộng 4 – 5 m, sâu từ 1 – 1,2 m.
b. Chuẩn bị hố trồng:
– Đào hố trồng có kích thước: 0,8 x 0,8 x 0,8 m và cho 0,5 – 1kg vôi/hố để xử lý một số côn trùng và nấm bệnh trong đất.
– Sau khi xử lý hố trồng khoảng 01 tháng: Tiến hành bón lót hỗn hợp sau khi đã trộn đều gồm: 30 kg phân chuồng hoai mục + 200g NPK (15:15:15) + đất mặt được đào từ hố trồng với lượng vừa đủ để khi lấp lại bằng với mặt đất tự nhiên và 15 ngày sau tiến hành đặt cây con.
c. Cách trồng
– Đặt cây con: Đào 01 lỗ chính giữa hố đã được trộn phân lấp xuống sao cho vừa bằng bầu cây giống và dùng kéo cắt bịch ni lông cẩn thận để không làm tổn thương rễ và không được làm bể bầu. Đặt cây vào hố trồng, hướng mắt ghép quay về hướng gió chính trong năm để giảm hiện tượng tách mắt ghép, nén đất chặt xung quanh bầu cây, cắm 03 cọc tạo thành hình tam giác bao xung quanh cây và buộc nhẹ vào thân cây để giữ cây khỏi đổ ngã, tưới đẫm nước ngay sau khi trồng và dùng rơm, cỏ khô ủ gốc để giữ ẩm.
– Che bóng cho cây lúc còn nhỏ: Sau khi trồng, trong 06 tháng đầu tiên, cần che 30 – 40% ánh nắng bằng lưới đen và che phủ mặt liếp bằng một số cây ngắn ngày như đậu xanh, đậu phộng để vừa làm cây trồng xen lấy ngắn nuôi dài vừa giữ ẩm cho đất, trồng thêm cây bắp hoặc chuối theo hướng đông tây và cách gốc 2 – 3 m để che nắng cho cây.
Lưu ý:
+ Giữ gốc sầu riêng khô ráo để hạn chế nấm bệnh tấn công vào gốc;
+ Không trồng các loại cây: đu đủ, thơm, dừa, nhóm cây có múi để làm cây trồng xen trong vườn sầu riêng vì các cây này cùng là ký chủ của nấm Phytophthora.
Quản lý cỏ dại: Trong mùa mưa, hàng tháng nên cắt cỏ toàn vườn nhằm giữ lại thảm cỏ giúp đất không bị rửa trôi, hạn chế tối đa sử dụng thuốc diệt cỏ. Riêng khu vực quanh gốc cây, không được sử dụng thuốc diệt cỏ mà nên làm cỏ bằng tay và nhất là trước mỗi đợt bón phân.
Béc tưới cây sầu riêng diện tích rộng
4. Bón phân
Đề nghị bón phân theo từng giai đoạn phát triển của cây và của trái. Trong đó, lưu ý giai đoạn sinh trưởng, kích thích cây ra đọt cần bón phân với công thức có tỷ lệ đạm và lân cao; giai đoạn phát triển trái, đặc biệt nhất là giai đoạn phát triển cơm cần bón phân với công thức có tỷ lệ kali cao hơn đạm. Bà con nông dân có thể tham khảo công thức (theo GS. TSKH Trần Thế Tục và cộng sự, 2004) như sau:
– Phân hữu cơ hoai mục: Mỗi năm nên bón từ 20 – 30 kg/cây vào đầu mùa mưa, tốt nhất nên kết hợp với nấm sinh học đối kháng Trichoderma để hạn chế các dòng nấm hại có trong đất như Phytophthora palmivora.
– Phân hóa học bón cho mỗi cây qua các năm tuổi cụ thể:
Phương pháp bón phân: cụ thể như sau:
* Với phân vô cơ:
+ Năm thứ 1 – 2: Pha phân hóa học với nước để tưới;
+ Năm thứ 3 trở đi:Xới đất xung quanh tán để bón, cụ thể: xới một lớp đất mỏng, rắc đều phân và phủ đất. Vào mùa khô, có thể rắc phân phủ đất xong tiến hành tưới nước lên trên vừa có tác dụng chống hạn cho cây.
* Với phân hữu cơ: thực hiện đào hố theo hình chiếu của cây xung quanh tán, cho phân chuồng xuống cùng với phân vô cơ, trộn đều rồi lấp đất.
– Những điều cần chú ý khi bón phân cho sầu riêng:
+ Không dùng các loại phân có Clor nhất là trong giai đoạn cho trái để bón vì Clor là một trong những yếu tố làm cho trái bị sượng;
+ Bón phân gà là cần thiết vì phân gà có khả năng hạn chế sự phát triển của nấm Phytopthora palmivora – vốn là loại nấm rất nguy hiểm với sầu riêng. Có thể thay thế phân gà hoai mục bằng các loại phân đã qua chế biến nhưng có nguồn gốc từ phân gà như: Humic, Dynamic lifter.
+ Để hãm ra lá non, tạo điều kiện cho cây ra hoa và đậu quả được tốt có thể dùng KNO3 hoặc phân bón lá M:K:P (0:52:34) để phun lên lá, nồng độ và cách phun theo khuyến cáo trên bao bì.
– Riêng đối với giống sầu riêng Monthong, Trần Văn Hâu và ctv (2009) nhận thấy để giảm hiệu quả tỷ lệ cơm sượng, cần thực hiện: vào giai đoạn 02 tháng sau khi đậu trái, phun Ca(NO3)2 với nồng độ 0,2% → 15 ngày sau, phun MgSO4 với nồng độ 0,2% → tiếp tục đến giai đoạn 01 tháng trước khi thu hoạch, phun KNO3 với nồng độ 01%.
(GS.TS Trần Văn Hâu – Trường Đại học Cần Thơ)
5. Tưới nước
Cây cần nước ở các giai đoạn:
– 01 tháng đầu tiên sau khi trồng nên tưới 01 lần/ngày.
– Thời kỳ cây tơ: Tưới đủ nước, đảm bảo chu kỳ tưới 03 lần/tuần (lượng nước tưới 100 – 150 lít/cây/lần) trong thời gian ít mưa và mùa khô để giảm tỉ lệ cây chết, giúp cây phát triển mạnh, nhanh cho trái.
– Thời kỳ cây ra hoa: Tưới cách ngày để cho hạt phấn khỏe mạnh và ngưng tưới nước khi hoa nở rộ. Khi kết thúc giai đoạn ra hoa rộ: tưới trở lại và lượng nước được tăng dần cho đến khi trở lại bình thường.
– Thời kỳ cây cho trái: Sau khi đậu trái, tưới đủ nước để giúp trái phát triển khỏe, chất lượng tốt. Riêng giai đoạn 20 ngày trước thu hoạch cần ngưng tưới để hạn chế cây ra đọt non giúp giảm tỷ lệ quả bị sượng.
Thực tế hiện nay, khá nhiều nhà vườn đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và hệ thống tưới phun để tưới nước cho cây và có thể kết hợp phun thuốc trừ sâu, bệnh hại vào những khi cần. Riêng hệ thống tưới phun luôn được bà con nông dân quan tâm gia cố, nâng độ cao của ống tưới sao cho phù hợp theo chiều cao của cây trong quá trình phát triển.
6. Tỉa cành, tạo tán
Để tạo cây có chiều cao vừa tầm, thuận lợi chăm sóc và có bộ khung tán khỏe mạnh cần áp dụng bấm đọt, tỉa bỏ các cành như sau:
Số cành cấp 1 khoảng 18 – 20 cành/cây, mỗi tầng khoảng 3 cành phân bố đều các hướng, mỗi tầng cách nhau 0,7 – 01 m, chiều cao của cây cần được điều chỉnh bằng với khoảng cách giữa các cây trong vườn.
Việc tỉa cành, tạo tán cần được tiến hành từ năm thứ 2 để cây tạo tán sớm và thực hiện thường xuyên, liên tục để có bộ tán thông thoáng cân đối. Cần quét sơn cho vết cắt có đường kính > 1cm.
7. Tỉa hoa, tỉa quả
– Tỉa hoa: Sầu riêng ra hoa 2 – 3 đợt trong năm, việc tỉa bỏ hay giữ lại đợt hoa nào tùy thuộc vào ý định của chủ vườn muốn có thu hoạch ở thời điểm nào để có hiệu quả kinh tế cao. Nếu có 03 đợt hoa chính, có 02 phương án:
+ Phương án 1: Tỉa bớt hoa đợt 1 và đợt 3, để lại hoa đợt 2 cho chín tập trung.
+ Phương án 2: Tỉa bớt hoa đợt 2, để lại hoa đợt 1 và đợt 3 để cho thu hoạch những quả chín sớm và chín muộn vào lúc thị trường khan hiếm.
Tỉa quả: Tỉa bỏ những quả nhỏ, quả méo mó, chỉ giữ lại những quả có hình dáng đẹp. Quả được mang trên cành to thì chất lượng cao hơn những quả trên cành nhỏ hoặc trên cành ít lá. Không để lại quá nhiều quả trên 01 cành, nhất là trên các cành nhỏ.Vì vậy, sau khi đậu quả, công việc tỉa quả được tiến hành như sau:
+ Lần 1:Tỉa vàogiai đoạn từ tuần thứ 3 – 4 sau khi hoa nở đến tuần thứ 5 sau khi hoa nở (≈ trước khi quả bước vào giai đoạn phát triển nhanh). Lúc này cần tỉa bỏ: các quả đậu dày đặc, quả nhỏ, dị hình, bị sâu bệnh và chỉ để lại 1 – 2 quả/chùm.
+ Lần 2:Tỉa vàotuần thứ 8 sau khi hoa nở. Lúc này cần tỉa bỏ: các quả phát triển không bình thường: nhỏ, cân cân đối, méo mó … để điều chỉnh lại sự cân bằng về mặt dinh dưỡng giúp cho quá trình tạo cơm trái được thuận lợi.
+ Lần 3:Tỉa vàotuần thứ 10 sau khi hoa nở. Lúc này cần tỉa bỏ: các quả có hình dạng không đặc trưng của giống, tạo thuận lợi cho sự phát triển cơm, kích thước và hình dạng quả.
8. Xử lý ra hoa
Nhìn chung, tại khu vực miền Đông Nam Bộ, sầu riêng ra hoa từ tháng 1 – 3, thu hoạch vào tháng 6 – 8 hàng năm.
– Xử lý ra hoa thuận mùa:
Khi bón phân ở gốc trong giai đoạn lá của cơi đọt thứ 2 chuyển sang lá lụa (như trên), cần kết hợp phun lên thân cây loại phân bón chuyên dùng giúp tạo mầm hoa tốt, ra hoa đồng loạt (liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất) + phun ướt toàn bộ lá bằng MKP nhằm giúp lá mau thuần thục (liều lượng: 80 – 100g/8 lít), thực hiện 02 lần, mỗi lần cách nhau 5 – 7 ngày. Lúc này thời tiết đã chuyển qua mùa khô nên khi gặp khô hạn khoảng 20 ngày thì sầu riêng sẽ nhú mầm hoa.
Khi hoa có độ dài 2 – 3 cm: Tưới nước trở lại và tưới đầy đủ nước để hoa phát triển to, đều, hạn chế rụng hoa và tăng khả năng đậu trái.
Khi hoa có độ dài 3 – 4 cm: Tỉa bỏ tất cả hoa ở đầu cành và sát gốc cành, chỉ giữ lại những chùm hoa giữa cành có khả năng mang trái.
Lưu ý: Ở giai đoạn cây ra hoa, nếu đồng thời cây cũng ra đọt sẽ cạnh tranh dinh dưỡng trong nuôi trái. Tuy nhiên, nếu khống chế không cho cây ra đọt sẽ đi ngược với quy trình sinh trưởng của cây và làm cây suy kiệt nên cần tạo kiều kiện cho cây ra đọt cùng lúc với ra hoa, tốt nhất là khi hoa nở thì đọt cũng đã già. Như vậy, sau khi cây ra hoa, trong khi tưới nước cần bón bổ sung hỗn hợp 1 – 1,5 kg urê + 1 – 1,5 kg DAP/cây và phun phân bón lá NPK (30-10-10) để thúc cây ra đọt. Cơi đọt này cần được nuôi và chăm sóc đặc biệt vì nó có vai trò quan trong trong quá trình nuôi dưỡng trái sau này.
– Xử lý ra hoa nghịch mùa: Thực hiện như sau:
+ Bón phân giúp cây phân hóa mầm hoa: khi cơi đọt muốn xử lý ra hoa đã già (sau khi nhú cơi đọt khoảng 3 – 4 tuần) thực hiện đồng thời:
* Gốc cây: bón phân DAP + Kali sunfat (lượng phân bón phụ thuộc vào tuổi và độ sung của cây mà áp dụng tỷ lệ 1 : 1 hay khác) + tưới nước để phân tan (giúp rễ hấp thu dinh dưỡng đầy đủ) sau đó ngưng tưới hoàn toàn và rút cạn nước trong mương sao cho khoảng cách từ mực nước trong mương đến mặt líp đạt từ 01m trở lên nhằm đảm bảo đất ở vùng rễ được khô ráo.
* Lá cây: Phun phân bón lá có hàm lượng lân cao như NPK (10-60-10), thực hiện 02 lần, mỗi lần cách nhau 5 – 7 ngày.
+ Sau khi bón phân giúp cây phân hóa mầm hoa, cây bắt đầu tạo mầm hoa. Giai đoạn này có thể từ 30 – 45 ngày, kéo dài hơn so với các tỉnh miền Tây. Nếu trong giai đoạn này, cây đã phân hóa mầm hoa vài đợt mà cây vẫn vón quá tươi tốt thì tiến hành phun thêm phân bón lá chứa lân và kali cao như NPK (10-30-30), thực hiện 02 lần, mỗi lần cách nhau 5 – 7 ngày để giúp cây tạo thêm mầm hoa. Sau đó chờ cây ra hoa thông qua các dấu hiệu giúp nhận biết cây sẽ ra hoa:
* Thân cây răn nứt;
* Lá già trên cây đổ nhiều, tốt nhất khi cây có tỷ lệ đổ lá từ 20 – 30% lá già.
* Trên các cành nhất là cành trên cao xuất hiện nứt sáng mắt cua (số lượng ít). Để quan sát rõ hơn ta thực hiện chiếu đèn pin hướng về các cành trên cao vào buổi chiều tối, nếu có mắt cua xuất hiện thì nó sẽ phản quang và sáng lên.
Sau khi cây có đủ các dấu hiệu trên, thực hiện tưới đẫm nước 02 lần, mỗi lần cách nhau 3 – 4 ngày nhằm gây sốc cho cây để mắt cua được bung đồng loạt, sau đó tiến hành tưới giữ ẩm trở lại.
Ghi chú: Hạn chế tối đa hoặc không sử dụng chất điều hòa sinh trưởng Paclobutrazol (PBZ) để xử lý ra hoa vì: hiệu quả xử lý ra hoa sẽ giảm dần theo từng năm; khi sử dụng nhiều năm sẽ làm cây bị suy kiệt, ảnh hưởng quá trình phát triển và cho năng suất của cây.
9. Thụ phấn bổ sung
Bằng ong lấy mật.
Thụ phấn bằng tay: Để tăng khả năng thụ phấn cho cây, giúp quá trình thụ phấn diễn ra đầy đủ trên đầu nhụy tạo trái sầu riêng đầy đặn, không bị lép. Cách làm như sau: Vào buổi sáng, cắt một số hoa sắp nở dùng của giống dùng làm bố mang về nhà, cắt lấy các chùm nhị đặt vào đĩa sứ và lấy vải màn trùm lên để vào nới cao, khô (giữ ở điều kiện nhiệt độ trong phòng 25 – 26oC là thích hợp nhất) đến chiều là bao phần nở và tung phấn. Đến tối, gỡ bỏ cuống nhị và xác bao phấn, gom phấn lại và dùng 01 que tre có đầu buộc chặt một nhúm bông, chấm vào phấn và phết nhẹ vào đầu nhụy hoa của giống mẹ vào lúc 20 – 22 giờ. Không cần cách ly hoa mẹ.
Tăng khả năng thụ phấn chéo: trồng xen khoảng 02 giống trong vườn; hoặc chỉ trồng 01 giống và kết hợp phát triển các động vật nhỏ giúp ích cho quá trình thụ phấn.
10. Hiện tượng cơm (múi) bị sượng
Hiện tượng sượng phần cơm trái là hiện tượng: cơm cứng, cơm bị mất màu, cháy múi, cơm nhão. Nguyên nhân gây nên hiện tượng này không đơn lẻ mà do kết hợp nhiều yếu tố như: dinh dưỡng, nước, điều kiện môi trường, quả càng lớn tỷ lệ sượng càng cao.
Biện pháp kỹ thuật tổng hợp để hạn chế hiện tượng cơm (múi) bị sượng: (1) Kích thích cây ra hoa tập trung, đồng loạt để hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng giữa: hoa với sự phát triển của trái, giữa trái nhỏ với trái lớn; (2) Hạn chế cây ra đọt non trong giai đoạn trái phát triển. Đây là biện pháp quan trọng nhất và (3) Phun các loại phân bón lá có chứa các chất hữu cơ để bổ sung nguồn dinh dưỡng cho trái phát triển, phun kali ở nồng độ 01% vào giai đoạn 01 tháng trước khi trái trưởng thành.